Sách xúc giác cho trẻ khiếm thị

Thứ hai, 26/09/2022, 15:10
TTO - Sách không chỉ có nội dung, hình ảnh mà còn có cả mùi hương, âm thanh. Đó là thành quả của công trình Phát triển sách xúc giác dành cho trẻ em khiếm thị vừa mới lọt vào top 5 công trình xuất sắc trong chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục'.

Phát huy nhiều nhất các giác quan

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Trịnh Thu Thanh cho biết công việc của mình tiếp xúc với trẻ khuyết tật rất nhiều. Cô nhận thấy trẻ khiếm thị không hề biết đến các cuốn sách xúc giác. Điều đó thôi thúc cô và cộng sự lao vào dự án rất nhiều khó khăn.

Làm một cuốn sách xúc giác rất khó vì ngoài câu chuyện, còn thiết kế các hình ảnh may lên trang sách. Trẻ khiếm thị sẽ đọc sách bằng cách sờ. Kỹ năng sờ của trẻ càng phát triển thì khả năng hình dung để hiểu câu chuyện, hiểu những thông điệp từ cuộc sống qua trang sách càng lớn.

Phù hợp tâm lý trẻ

Mặc dù vậy, sách cho thiếu nhi nên vẫn phải đảm bảo phù hợp với tâm lý trẻ em của từng độ tuổi. Nhóm nghiên cứu tự viết truyện, hoặc chuyển thể từ các truyện thiếu nhi đã xuất bản.

Với việc chuyển thể, nhóm phải liên hệ tác giả để xin phép. Khi điều chỉnh nội dung để phù hợp với sách xúc giác, cũng phải được sự đồng ý của các nhà văn.

"Khi chuyển thể truyện Trái tim của mẹ, ở đoạn tác giả viết "Khi dừng đèn xanh, đèn đỏ, hai mẹ con ngước lên bầu trời nhìn những đám mây trắng bồng bềnh xếp thành hình trái tim" chúng tôi xin phép đổi thành "Khi dừng đèn xanh đèn đỏ, hai mẹ con nghe tiếng còi xe bim bim rộn rã".

Tìm sự cộng hưởng

5 năm vừa nghiên cứu, vừa thực nghiệm và làm sách, nhóm nghiên cứu và các tình nguyện viên mới chỉ làm được 50 cuốn sách xúc giác. "Dịch COVID-19 làm gián đoạn một thời gian. Nhưng cũng là do làm một cuốn sách phải rất tỉ mỉ và thủ công hoàn toàn nên không nhanh được.

Thời gian ấy mỗi khi Hà Nội cách ly phòng dịch là phải nghỉ, hết cách ly chúng tôi lại làm" - chị Thanh cho biết.

Khoảng 1 năm trở lại đây chị và nhóm nghiên cứu đã nghĩ đến việc tìm một sự "cộng hưởng" của cộng đồng.

Nhóm đã liên hệ với một số người điếc, hướng dẫn để họ giúp ở công đoạn may các hình, chi tiết gắn lên sách. Theo chị Thanh, người điếc rất khéo tay, họ có thể giúp cho nhóm nhân bản nhanh hơn. Nhưng sự giúp đỡ của họ chỉ ở khâu thi công.

Sách làm xong cần sử dụng để đánh giá, khi đó lại cần đến các phụ huynh. Chị Thanh nhớ lại thời kỳ đầu, nhiều người còn chưa quan tâm tới đối tượng trẻ khuyết tật.

Thậm chí cả cha mẹ của những đứa trẻ bị khiếm thị cũng né tránh khi nhóm nghiên cứu tiếp cận. Nhưng cứ kiên trì, mỗi ngày một ít, cuối cùng nhóm cũng phá bỏ được rào cản kỳ thị hoặc e ngại từ cộng đồng.